TRƯỜNG THCS QUANG HƯNG TỔ CHỨC KỶ NIỆM NGÀY BÁC HỒ GỬI THƯ CHO NGÀNH GIÁO DỤC
Buổi lễ diễn ra trong không khí trang trọng và bồi hồi, xúc động khi được nghe lại bức thư của Bác gửi cho các cháu học sinh, sinh viên, các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên ngành giáo dục.Với tình cảm thiết tha, gần gũi của Bác Hồ dành cho giáo dục và thế hệ trẻ Việt Nam, nhân dịp khai giảng năm học 1968 - 1969 (năm học thứ tư chống Mỹ cứu nước), Bác Hồ gửi bức thư cho Ngành giáo dục, không ngờ đó lại là bức tâm thư cuối cùng, dừng lại ở một ngày lịch sử đáng nhớ: Ngày 15/10/1968. Thời điểm này sức khỏe của Bác đã yếu đi rất nhiều bởi Bác lo rất nhiều cho vận nước nhưng Bác vẫn đặc biệt quan tâm và tự hào về thành tựu của ngành Giáo dục.
Nhân ngày 15/10, ngày Bác Hồ kính yêu gửi bức thư cuối cùng cho ngành giáo dục trước lúc đi xa(15/10/1968), suy ngẫm những điều chỉ dẫn quý báu cách đây hơn 50 năm, chúng ta càng thấm thía hơn quan điểm, tư tưởng của Bác Hồ về nền giáo dục Xã Hội Chủ Nghĩa . Từ đó, đòi hỏi toàn ngành, toàn xã hội phải đồng thuận, quyết tâm đề ra và thực hiện tốt các giải pháp nhằm đáp ứng những mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết đã đề ra. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo thời kỳ hội nhập chỉ hoàn thành sứ mệnh cao quý khi đào tạo cho đất nước đội ngũ nhân lực thực sự “vừa hồng, vừa chuyên”; phục vụ có hiệu quả công cuộc xây dựng đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.
Vào thời điểm ngày 15/10/1968, cuộc đánh phá miền Bắc của đế quốc Mĩ vẫn còn diễn ra ác liệt, tuy sức khỏe đã yếu đi nhiều nhưng Bác Hồ vẫn đặc biệt quan tâm về giáo dục, viết bức thư gửi các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên nhân dịp bắt đầu năm học mới và đây cũng là bức thư cuối Bác dành cho ngành giáo dục. Thư của Bác vừa kịp thời khích lệ, biểu dương thành tích, vừa căn dặn, giao nhiệm vụ cho ngành giáo dục và một lần nữa khẳng định: “Nhiệm vụ của các thầy giáo, cô giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang”. Đồng thời, Bác yêu cầu các cấp ủy Đảng và chính quyền “phải thực sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp giáo dục, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục về nhiều mặt, đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục của ta lên những bước phát triển mới”. Bức thư đã thể hiện sâu sắc tình cảm và trách nhiệm của Bác đối với sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Đọc lại bức thư cuối cùng Bác gửi cho ngành giáo dục, mỗi thầy cô giáo, học sinh cần phải khắc cốt ghi tâm, nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa để thực hiện tốt lời Bác dạy. Người giáo viên phải yêu nghề, tận tâm tận lực với nghề; không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn - nghiệp vụ; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp, gắn bó mật thiết với nhân dân, gần gũi, yêu thương chăm sóc học sinh… để xứng đáng “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo”. Đối với học sinh, phải biết kính trọng thầy cô giáo, thân thiện, yêu quý bạn bè; không ngừng tu dưỡng đạo đức và siêng năng học tập, học một cách tự giác, tích cực, chủ động và sáng tạo, chống thụ động, lười biếng; hăng hái tham gia lao động sản xuất và các hoạt động xã hội, bảo vệ môi trường… Thầy cô giáo phải đổi mới cách dạy, phải dạy tốt; học sinh phải đổi mới cách học, phải học tốt; phải đổi mới dạy và học theo hướng nâng cao khả năng tự học, học sáng tạo, hình thành thói quen và niềm say mê học tập suốt đời. Đó là công việc đòi hỏi một quá trình phấn đấu liên tục,một sự cố gắng, nỗ lực không ngừng để đạt được. Có như thế, chúng ta mới thực hiện được niềm mong ước của Bác đưa đất nước “sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Là học trò phải biết kính trọng thầy cô giáo, thân thiện với bạn bè, phải không ngừng tu dưỡng đạo đức và chuyên môn học tập, học một cách chủ động, tích cực và sáng tạo, không học vẹt và học tủ.... Ai cũng hiểu, nuôi dạy một đứa trẻ đòi hỏi rất nhiều tình yêu từ con tim và lý trí. Giáo dục luôn được coi là quốc sách hàng đầu, sư phạm luôn được coi là nghề cao quý, bởi thiên chức của nó tạo nên những công dân hoàn thiện và những con người có ích cho gia đình và xã hội. Vì vậy, nhà trường, cán bộ quản lý giáo dục mà đặc biệt là đội ngũ giảng viên và gia đình phải luôn có những hướng đi đúng đắn cho các em để góp phần đào tạo nên những con người mới – chủ nhân tương lai của nước nhà vừa có đức, có tài.
Đã 51 năm trôi qua (15/10/1968 - 15/10/2019) khi Bác Hồ gửi thư cho ngành giáo dục lần cuối cùng, nhưng những gì Bác để lại cho ngành giáo dục vẫn còn nguyên giá trị. Trong thời đại công nghiệp phát triển vượt bậc, đòi hỏi phải có những con người thực sự giỏi, thực sự năng động và sáng tạo nên trách nhiệm của những người thầy, lại càng nằng nề, khó khăn nhưng cũng vô cùng vinh quang. Chính vì thế cả thầy và trò phải ra sức học tập, lý thuyết phải luôn gắn liền với thực tế kết hợp với tư duy khoa học. Bên cạnh đó chúng ta cũng cần chống lại những tệ nạn đang làm ảnh hưởng xấu môi trường giáo dục trong sáng, lành mạnh mà bấy lâu nay biết bao nhiêu thế hệ thầy cô giáo nhà trường đã và đang dày công vun đắp.
Năm học 2019 - 2020, càng thấm nhuần lời dạy, tình cảm, tư tưởng của Bác , để xứng đáng với sự quan tâm đặc biệt và lòng mong mỏi thiết tha, lớn lao của Người, Thày và trò trường THCS Quang Hưng quyết tâm biến nhận thức thành hành động cụ thể, vừa khắc ghi vừa nỗ lực thực hiện bổn phận, trách nhiệm của mình với tinh thần “Dù khó khăn đến đâu cũng phải ra sức thi đua dạy tốt học tốt” phụng sự sứ mệnh cao cả “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” góp phần thắng lợi cho “sự nghiệp giáo dục có những bước phát triển mới” theo tư tưởng và triết lý về giáo dục đậm chất nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau đây là một số hình ảnh về buổi lễ:
Cô Vũ Thị Hương - Chủ tịch công đoàn nhà trường đọc thư của Bác Hồ.
Thầy Vũ Đình Nguyện - Bí Thư chi bộ - Hiệu trưởng nhà trường phát động phong trào thi đua với tập thể thầy và trò trong nhà trường.
Thầy Vũ Duy Dậu - Tổng phụ trách đội, đại diện cho thế hệ trẻ của nhà trường phát biểu nhận nhiệm vụ và hưởng ứng phong trào thi đua.
Em Phạm Thị Quỳnh Anh - học sinh lớp 8A, đại diện cho học sinh trong nhà trường phát biểu nhận nhiệm vụ và hứa quyết tâm.
Tin và ảnh: Vũ Duy Dậu.